e Blog chia sẻ niềm vui, giảm stress | Tìm hiểu về Thiền

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Thiền là gì?

Tìm hiểu về Thiền - Mục đích & Nội Dung

    Qua  1 thời gian tìm hiểu, mình đã thu thập được một lượng thông tin và các phươg pháp Thiền trên mạng. Qua blog này, mình muốn chia sẻ với những ai đang  tìm hiểu và thực tập Thiền tại nhà.

Mục đích của mình khi thực tập Thiền đơn giản là tìm đến những phút thảnh thơi trong cuộc sống,  chăm sóc tâm trí, điều hoà hơi thở, để có được sự thư giãn, thoải mái sau nhưng giờ học tập làm việc căng thẳng.


Trong thời gian tìm hiểu về Thiền, mình đã rơi vào trạng thái mơ hồ vì có quá nhiều khái niệm và phạm trù của Thiền.  Bản thân không theo một tôn giáo nào, Thiền là một từ thực sự khó định nghĩa và khiến mình bối rối. Vì vậy mình chỉ đi sâu vào Thiền Vipassana – dòng  thiền cổ xưa nhất của Phật Giáo. Mặc dù trước đây tại Việt Nam, thiền Vipassana không được phổ biến rộng rãi, tuy nhiên gần đây thiền Vipassana đang được phục hồi và phát triển, tất cả những ai có tâm hành thiền đều có thể thực tập. Mình xin tổng hợp nội dung thành 3 phần:

Phần I:    Tìm hiểu về Thiền? Thiền là gì?
Phần II:   Những lợi ích Thiền đem lại.Phần III: Phân biệt giữa Thiền Định và Thiền Vipassana
Phần IV:  Thực tập Thiền Vipassana.



Thiền là gì?

Chúng ta cùng đi vào Phần I: Tìm hiểu về Thiền

Theo tự điển tiếng anh Oxford, Thiền là sự thực hành suy tư sâu sắc trong tĩnh lặng để cho tâm của người thực hành an tịnh. Còn tư điển Merriam-Webster thì đưa ra hai định nghĩa khác nhau: thứ nhất, thiền là ngâm mình trong sự trầm tư mặc tưởng hay sự phản tỉnh; thứ hai, thiền là tham dự vào việc luyện tâm (như tập trung vào hơi thở hay trì tụng một câu thần chú lặp đi lặp lại nhiều lần[1]) với mục đích hướng đến sự tỉnh thức tâm linh ở một cấp độ cao.

Và theo tự điển Cambridge, thiền là hoạt đông hướng sự tập trung của bạn vào một đối tượng (có thể là một hoạt động mang tính chất tôn giáo hoặc một phương thức nào đó để được trầm tĩnh và buông xả).

Nói chung, tất cả những định nghĩa này đều mang cùng một ý nghĩa: đó là sự nỗ lực hết mình để ràng buộc tâm vào một điểm duy nhất vì dường như người ta không có khả năng tập trung vào hai đối tượng trong cùng một thời điểm.

Suy cho cùng, chúng ta thường có khuynh hướng dùng từ “thiền” để mô tả những sự thực tập có tính trầm tư mặc tưởng hay những sự thực hành phản ánh sự suy nghiệm.

Dựa trên ý nghĩa này, thiền không nhất định mang ý nghĩa tôn giáo. Mà đúng hơn, thiền là một phần tri nghiệm tự nhiên của con người chúng ta, và nó có thể được dùng làm phương thuốc trị liệu để gia tăng sức khỏe cũng như nâng cao hệ miễn dịch trong con người chúng ta.

Bất kỳ ai ngắm nhìn mặt trời lúc hoàng hôn hay chiêm ngưỡng một bức tranh nghệ thuật mà cảm thấy trầm tĩnh và nội tâm thanh thoát đều ít nhiều thưởng thức gia vị của thiền. Nói như vậy, thiền Phật giáo là gì? Trước hết chúng ta khảo sát thiền Phật giáo theo cách hiểu của ngươi bình thường trước.

Thiền Phật Giáo Theo Quan Điểm Bình Dân

Khi được hỏi về thiền, ai trong chúng ta dường như đều có cùng câu trả lời bất kể chúng ta là ai đi nữa. Người bình thường hay liên tưởng đến thiền Phật giáo theo một trật tự sau đây: thứ nhất, thiền giả phải tìm một nơi thanh vắng như chùa, hay một góc phòng, hay một khóa tu thiền; nghĩa là người ta phải tách mình ra khỏi đời sống thường nhật bận rộn.

Điều tiếp theo họ nên làm là ngồi kiết già, thẳng lưng, và nhắm mắt.

Sau cùng, họ điều chỉnh sao đó để tập trung vào một đối tượng cụ thể.

Thiền của Đạo Phật nguyên thủy
Gồm có ba kỹ thuật chính là Thiền Chánh Niệm( satibhavana), Thiền Định (samathabhavana) và Thiền Tuệ Quán (vipassanabhavana). Đối với Đạo Phật nguyên thủy, khi nói đến thiền nhất thiết phải phân biệt đó là Thiền Chánh Niệm, Thiền Định hay Tuệ Quán.
- Thiền Chánh Niệm là phương pháp giữ Niệm (sati) trên bốn lãnh vực, gồm thân thể, cảm giác, tâm và đối tượng của tâm (tứ niệm xứ)
- Thiền định còn gọi là Định hay Tịnh chỉ, là pháp an trú tâm trên một đối tượng. Thường các nhà sư dung hơi thở là đối tượng để an trú tâm.
Tuệ quán là công phu quán sát các đối tượng, hiện tượng đang hiện hữu, diễn biến, xảy ra trong thân và tâm với mục đích để nhìn thấy tính duyên hợp, vô thường và vô ngã của chúng. Mục đích của Tuệ quán là tạo ra các tuệ cần thiết cho sự giác ngộ các quả thánh.
Cần nên biết: Thiền định của Phật giáo nguyên thủy đưa đến bốn bậc thiền hữu sắc là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, và bốn bậc thiền vô sắc là không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Những thiền định nói trên mặc dù có nguồn gốc trước Đạo Phật và không đưa đến bốn đạo quả, nhưng vẫn là kĩ thuật luyện tâm song song với pháp thiền quán. Pháp Tuệ Quán được coi là một sáng tạo riêng của Đức Phật. Việc thực hành Tuệ quán cần sử dụng năng lực của định (samadhi) để nhìn thấy rõ các pháp chân đế (paramattha) như chúng thực sự là, cho nên công phu thiền định là một lợi thế cho thực hành thiền tuệ quán. Theo một vài luận giải của Phật Giáo Nguyên Thủy thì Thiền Định (Samadhi) là một công cụ cần thiết không thể thiếu để thực hành thành công Tuệ Quán (Vipassana).
Lời Kết

Chúng ta thấy không có nhiều thay đổi trong phương pháp hành thiền từ thời đức Phật cho đến ngày hôm nay. Điểm cốt lõi của thiền Phật giáo vẫn còn được lưu hành.

Một cách khái quát, hành giả thiền tông cần thực hiện hai bước quan trọng: thứ nhất, nỗ lực để an tịnh cái tâm của mình; thứ hai, cái tâm an tịnh sẽ giúp hành giả tuệ tri sâu thẳm vào những gì mà họ thực sự muốn khám phá.

Trong ý nghĩa này, thiền là trung tâm trong hệ thống giáo lý của đức Phật. Bất kỳ học thuyết nào mà đức Phật đã thuyết giảng trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy đều có liên đới đến thiền như chúng ta đã bàn khi nói về Kinh Đại Niệm Xứ.

Nói một cách khác, suốt bốn mươi lăm năm đức Phật chỉ thuyết giảng hai điều: Khổ và con đường đưa đến sự diệt Khổ. Để diệt trừ cái khổ, người ta phải nhận ra bản chất nội tại của vấn đề khổ. Mà để được vậy, trước hết người ta phải cần có một cái tâm an tịnh mà thiền Phật giáo gọi là samatha (thiền chỉ).

Như mặt hồ phẳng lặng, với cái tâm an tịnh, người ta có thể nhìn thấu suốt những gì bên dưới nó. Đây là điều Phật giáo gọi là Vipassana (thiền quán).   
                                                                                                 
                                                                                  Nguồn: PTVN & PhamDoan
                                                                                      
                                                                             



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP